Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Những bí ẩn chưa có lời giải về biệt điện Trần Lệ Xuân

Kiến trúc ngôi biệt thự và các công trình phụ ẩn chứa những tham vọng của đệ nhất phu nhân thời đó ra sao... vẫn còn là những bí ẩn quanh biệt điện của Trần Lệ Xuân một thời.

Mảnh đất đẹp và bà cố vấn quyền uy

Với vẻ bề ngoài uy nghi, tọa lạc trên một ngọn đồi cao, phía trước là một thung lũng, bên kia cũng là một ngọn đồi khác, tạo cho biệt điện Trần Lệ Xuân (địa chỉ số 2, Yết Kiêu, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) một địa thế độc đáo. Hiện nay, đây đang là trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, nơi gìn giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý giá của quốc gia, trong đó nổi bật là các mộc bản triều Nguyễn.
 
Những bí ẩn chưa có lời giải về biệt điện Trần Lệ Xuân
Vườn hoa Nhật Bản và hồ nước vẫn còn nguyên hình dạng năm xưa.

Dẫn chúng tôi đi tham quan, bà Trần Thị Minh, Trưởng phòng Công bố và Giới thiệu tài liệu, trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cho biết, cụm biệt thự này cho thấy được sự giàu sang và xài tiền vô tiền khoáng hậu của người đàn bà quyền lực năm xưa. Bà Minh cho biết thêm, hiện nay, trung tâm còn lưu giữ nhiều tài liệu liên quan đến việc chi tiêu, mua đất và một số hiện vật của Trần Lệ Xuân tại ngôi biệt thự này.

Theo “Văn khế chủ quyền”, thì bà Trần Lệ Xuân mua thửa đất để xây các biệt thự này của ông Nguyễn Văn Yên, một nghiệp chủ cư ngụ tại số 64 đường Lê Văn Định, Gia Định (TP.HCM ngày nay) vào ngày 14/9/1957, lấy tên là “biệt thự Blanche Naige”. Khi đó, đường Yết Kiêu mang tên Henri Maitre.

Bà Minh cũng cho biết, theo các tài liệu hiện còn lưu giữ ở trung tâm thì thời đó, người dân xứ này chỉ xài tiền xu, tính nhiều lắm là tới ngàn đồng thì bà cố vấn đã xài tới tiền triệu. Các hóa đơn, bảng kê chi tiết các khoản cho thấy, Trần Lệ Xuân đã xài tiền khủng như thế nào. Ví như, một bản ghi các khoản chi trong năm 1958, “bà cố vấn lấy không biết về việc gì (ngày có ông Kaul đến chụp bóng cho bà) 20 ngàn”, “mua cái súng 222 cho ông cố vấn 3 trăm”, “trả tiền đạn cho ông cố vấn 3,2 ngàn”... Hay như tổng cộng 5 khoản của năm 1959 cũng đã lên đến 3,2 triệu đồng.

Tuy nhiên, về sự xa hoa, hiện đại lúc bây giờ của Trần Lệ Xuân tại Đà Lạt có lẽ ít ai biết. Ngoài các đồ đạc, vật dụng hiện đại trong gia đình, nhập khẩu từ nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là từ Mỹ, thì người ta chú ý nhiều đến chiếc tủ lạnh chạy bằng dầu diesel và máy rửa chén. Bà Minh chỉ vào chiếc máy rửa chén trong hình (không còn hiện vật) nói: “Ngày nay, nhiều gia đình có tiền cũng không sở hữu được chiếc máy này”.

Khi đi khảo sát ba ngôi biệt thự trong cụm biệt điện Trần Lệ Xuân, PV quan sát thấy chiếc tủ lạnh to, cao ngang bằng đầu người có hai ngăn, nếu tính thời giá hiện tại cũng phải mấy chục triệu đồng và một cánh cửa két sắt dài. Bà Minh cho biết, trải qua nhiều giai đoạn, có lúc để hoang tàn, xuống cấp nên sau này phục dựng lại, thì hiện vật không còn được bao nhiêu.

Những bí ẩn chờ khám phá

Khu biệt điện này vẫn còn nhiều bí ẩn chưa có lời giải. Điển hình nhất là một hồ bơi nước nóng trước biệt thự Bạch Ngọc. Hồ bơi này được thiết kế theo chuẩn quốc tế, chỗ cạn nhất là 1m, nơi sâu nhất là 2,2m. Với thời tiết Đà Lạt quanh năm lạnh, ít nắng, đặc biệt là vào mùa đông, thời tiết càng lạnh hơn thì với hồ bơi này, bà cố vấn và những quan chức cao cấp của chính quyền cũ tắm như thế nào?
 
Những bí ẩn chưa có lời giải về biệt điện Trần Lệ Xuân
Biệt thự Lam Ngọc 1 ngày nay.

Bà Minh cho biết, đã có nhiều giả thuyết đặt ra. Vì là hồ bơi nước nóng cho nên, người ta lý giải, bà cố vấn đã sai nô bộc nấu khoảng 300m3 nước đổ vào hồ bơi? Lại có ý kiến cho rằng bà cố vấn cho lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để làm ấm nước trong hồ, tuy nhiên nắng ở Đà Lạt rất ít, khó có thể lắp đặt hệ thống này và cũng chưa tìm thấy tài liệu nào nói về việc lắp đặt máy năng lượng mặt trời cả.

Một giả thuyết khác khẳng định, bà cố vấn cho xây dựng hệ thống làm nóng nước ngầm dưới hồ bơi, nhưng theo bà Minh, chưa tìm thấy tài liệu nào nói về hệ thống ngầm này. Trước đó, khi khôi phục lại hồ bơi, không đào âm xuống phía dưới đáy hồ, nên chưa thể biết được có hay không hệ thống máy làm nóng ngầm trong lòng đất.

Cũng liên quan tới hồ bơi nước nóng, bà Minh cho biết, khi khôi phục lại, những người thợ đã dùng gạch viên loại lớn như ở đáy hồ để làm thành hồ bơi. Tuy nhiên, những người biết về hồ bơi cho rằng, đó không phải là nguyên mẫu nên đơn vị đã phải đặt hàng tại Malaysia (vì ở Việt Nam không có loại gạch này), đưa về để thực hiện cho giống với nguyên trạng ban đầu. Đây cũng là một minh chứng cho thấy, bà Trần Lệ Xuân đã xài sang như thế nào, kể cả trong việc sử dụng gạch lót cho thành hồ bơi.

Bên cạnh hồ bơi, hệ thống hầm thoát hiểm nối tới đâu vẫn còn là một ẩn số. Khi PV hỏi thì bà Minh cho biết, nó thông ra đến sảnh (hiện làm phòng bán quà lưu niệm của trung tâm). Tuy nhiên cũng có lời đồn rằng, hệ thống này chạy ra tới tận sân bay Cam Ly? Để khi biến cố gì xảy ra, những người có mặt tại đây có thể thoát một cách bí mật.

Tại khu biệt điện này hiện có hai hầm. Một hầm trú ẩn an toàn, có thể chịu được sức công phá của đạn pháo và hết sức an toàn. Hầm còn lại là thoát hiểm như PV vừa đề cập ở trên. Bên cạnh hai căn hầm này, các loại kính để gắn cửa sổ hay những nơi được sử dụng đều là kính cường lực, được nhập từ Mỹ về, có khả năng chống đạn.

Ngày nay, biệt điện Trần Lệ Xuân được giữ gìn và phục chế lại gần như nguyên vẹn, tọa lạc trên đồi thông thơ mộng với diện tích khoảng 13.000m với ba ngôi biệt thự: Bạch Ngọc, Lan Ngọc và Hồng Ngọc, một hồ bơi, một vườn hoa được thiết kế theo kiểu Nhật Bản, cùng nhiều hạng mục lý thú khác. Bên cạnh hồ bơi, biệt thự Bạch Ngọc là một quầy bar cao cấp. Đây là nơi dành cho ông bà cố vấn và các sỹ quan cấp cao của Việt Nam Cộng hòa vui vẻ cuối tuần hay dịp nào đó có mặt tại Đà Lạt.

Nhiều người lên Đà Lạt, ngoài tìm hiểu các biệt thự trong khu này còn để tận mắt thấy cho được vườn hoa Nhật Bản, ẩn chứa đầy mưu mô quyền lực của người đàn bà này. Theo đó, vườn hoa Nhật Bản phía sau biệt thự Lam Ngọc được bà cố vấn mời kỹ sư người Nhật về thiết kế, trong đó có một hồ sen mang hình chữ S (tượng trưng cho bản đồ Việt Nam). Giữa địa đồ thu nhỏ này còn có cả dải đá phân cách thể hiện Vĩ tuyến 17 chia cắt Bắc - Nam. Giấc mộng bá quyền cuồng loạn và mưu đồ chia cắt vĩnh viễn Tổ quốc Việt Nam đã theo người đàn bà quyền lực bậc nhất miền Nam một thời đến tận chốn hưởng lạc cuối tuần.
 
Theo Báo Người đưa tin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét