Khoa Dinh dưỡng, nơi xảy ra những dấu hiệu rút ruột công trình nhà nước. Ảnh: P.B
Vụ lùm xùm xảy ra tại công trình thực hiện dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (thuộc Bộ Y tế) có dấu hiệu kê khống để rút tiền. Vụ việc đã được ngay chính Giám đốc bệnh viện này thừa nhận bằng văn bản và Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng (Bộ Công an) vào cuộc điều tra.
Có hay không sự “lót tay” của nhà thầu?
Sau thời gian tìm hiểu điều tra, PV Báo Lao Động đã lần theo dấu vết của những sự mờ ám trong thực hiện dự án công trình trị giá hàng trăm tỉ đồng của Bộ Y tế có nhiều khuất tất đang cần sớm được các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Tháng 10.2010, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (BVTTTƯ2), được Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp theo Quyết định số 4264/QĐ-BYT, có tổng kinh phí thực hiện dự án là 110 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Ngày 28.12.2010, Giám đốc BVTTTƯ2 - tiến sĩ Bùi Thế Khanh - ký hợp đồng số 01/2010/HĐ-XD với Cty xây dựng Hải Sơn, thi công xây lắp Khoa Dinh dưỡng (mang tên gói thầu XL04-2010) với giá trúng thầu là 5 tỉ 171 triệu đồng, nằm trong dự án. Một số nhân chứng và cán bộ - nhân viên bệnh viện này trực tiếp tố cáo vụ lùm xùm làm thế nào nhà thầu trúng gói thầu, đó là có sự “thỏa thuận ngầm” với chính Ban giám đốc BVTTTƯ2, mà cụ thể là với tiến sĩ Khanh, giám đốc bệnh viện.
Theo điều tra của Lao Động, giá bêtông mác 250 trộn thủ công vào thời điểm năm 2010 có giá cao nhất là khoảng 1,5 triệu đồng/m3, nhưng chủ đầu tư lại duyệt thanh toán với giá vô cùng “ưu ái” là 3,4 triệu đồng/m3 cho nhà thầu. Thi công hệ thống cửa, theo thiết kế thì hầu hết các cửa đều phải được lắp 2 lớp (trong đó có một lớp cửa nhôm bên ngoài và một lớp cửa lưới bên trong để chống côn trùng từ bên ngoài bay vào bên trong các phòng), nhưng trên thực tế đơn vị thi công chỉ lắp đặt lưới ở những khuôn gió phía trên cửa với tổng diện tích chỉ khoảng gần 35m2, còn cửa nhôm chỉ một lớp, nhưng chủ đầu tư là BVTTTƯ2 vẫn “mạnh tay” thanh toán số lượng lên đến 214m2 cửa lưới cho đơn vị thi công. Ở đây dư luận đang đặt vấn đề, có hay không sự thông đồng, thậm chí là “lót tay” của đơn vị thi công, để chủ đầu tư cho nâng khống số lượng, cũng như vật tư thi công lên con số cao ngất như nêu trên (!?)
Dấu hiệu rút ruột công trình của Nhà nước
Tiếp tục tìm hiểu, điều tra những lùm xùm xung quanh thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng BVTTTƯ2, chúng tôi còn phát hiện hàng loạt dấu hiệu mờ ám của đơn vị thi công và được sự tiếp tay trực tiếp của chủ đầu tư. Cụ thể là, mặc dù đơn vị thi công hoàn toàn không lắp đặt ống thông hơi và ống để làm máng thoát mùi, nhưng vẫn được chủ đầu tư mang tiền của Nhà nước ra thanh toán. Đối với lát đá Granit, có diện tích theo số liệu thanh toán là 46m2, nhưng thực tế lát đá này chỉ chưa đến 14m2. Hạng mục cửa đi một cánh, làm bằng vật liệu không thấm nước, mặc dù không được thi công, nhưng vẫn được chủ đầu tư thanh toán. Có hạng mục chủ đầu tư thanh toán lên đến… 2 lần, cụ thể như hệ thống ống dẫn hơi giá gần 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, những số liệu chúng tôi thu thập được, cho thấy chủ đầu tư đã thanh toán cho Cty thi công “khống” nhiều hạng mục nhằm rút tiền nhà nước, cụ thể là lắp đặt cáp mạng, máy bơm nước, đèn rọi gương, quạt thông gió, bể nước inox, chậu rửa inox, đèn rọi gương trang trí… có tổng số tiền có dấu hiệu bị rút ruột là rất lớn.
Tháng 12.2011, sau khi công trình hoàn thành, BVTTTƯ2 đã lập hồ sơ xin quyết toán hơn 5 tỉ 171 triệu đồng, nhưng do phát hiện nhiều dấu hiệu “mờ ám”, đơn vị kiểm toán và đơn vị duyệt quyết toán của Bộ Y tế sau khi thẩm định đã chỉ đồng ý quyết toán 4 tỉ 745 triệu đồng (cắt đi hơn 425 triệu đồng). Tuy nhiên, nhiều hạng mục theo điều tra tìm hiểu của chúng tôi, vẫn còn chưa đưa ra ánh sáng và chưa xử lý. Chính Giám đốc Bùi Thế Khanh ký tờ trình số 60-TTr-BV, ngày 25.2.2014 về việc “Xin khắc phục sai sót trong thi công hạng mục Khoa Dinh dưỡng thuộc dự án xây dựng, nâng cấp BVTTTƯ2” gửi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Thanh tra Bộ Y tế và Cục Cảnh sát phòng, chống tham nhũng - Bộ Công an. Trong tờ trình này, ông Khanh đã thừa nhận “sai sót” và xin… khắc phục(!?).
Điều thể hiện rất rõ và cụ thể về dấu hiệu của hành vi “chiếm đoạt tài sản nhà nước” đã hoàn thành, đó là ngay trong biên bản kiểm tra khối lượng hạng mục kèm theo tờ trình của Giám đốc Bùi Thế Khanh cho thấy những hạng mục mặc dù không thi công, nhưng vẫn được chủ đầu tư quyết toán, lấy tiền nhà nước “đưa” cho đơn vị thi công. Đến khi các cán bộ, nhân viên trong bệnh viện tố cáo, dư luận đặt nghi vấn về sự “ưu ái” giữa ban lãnh đạo bệnh viện và nhà thầu, thì một số tiền lớn của Nhà nước đã bị chiếm đoạt, hành vi chiếm đoạt tài sản đã thành. Các cán bộ, nhân viên bệnh viện trung thực, chống tiêu cực đang chờ mong các cơ quan chức năng sớm đưa ra ánh sáng!
Nguồn: Báo Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét