Là người phương Đông, bạn có thể lựa chọn cho gian phòng thư giãn nhà mình phong cách đặc trưng đầy quyến rũ và bí ẩn.
Khác với vẻ đẹp cởi mở, hiện đại, tiện nghi của các phong cách trang trí
phòng tắm của người châu Âu, Mỹ, đa phần những phòng tắm đặc trưng cho
những phong cách phương Đông lại hướng nội, mang vẻ đẹp trầm mặc, yên
bình, thanh tịnh. Phòng tắm mang phong cách phương Tây thường hướng tới
những đường nét đơn giản, những màu sắc bắt mắt, nổi bật thì không gian
thư giãn của người Á Đông lại thiên về tự nhiên, thiên về những đường
nét cầu kỳ, nghệ thuật, thiên về những gam trầm tạo không khí yên bình,
lặng lẽ. Và nếu như người phương Tây yêu thích những chất liệu hiện đại,
thích những sáng tạo mới mẻ thì người phương Đông lại ưa chuộng việc
mang những chất liệu sẵn có, vẫn muốn giữ chút giản đơn, thô mộc của tự
nhiên vào căn phòng này.
Những đặc trưng cơ bản của phòng tắm phương Đông
Về cơ bản, vẻ đẹp tĩnh tại, ấm cúng, có đôi nét riêng tư là những đặc
trưng trong thiết kế phòng tắm của người phương Đông. Tuy nhiên, nét
dung dị, gần gũi như đang được hòa mình vào thiên nhiên, như được trở về
với cuộc sống tự nhiên lại là những điểm mạnh tuyệt vời mà không phải
phong cách nào cũng chạm tới.
Bên cạnh những yếu tố màu sắc, chất liệu hướng tới tự nhiên, thì
việc tổ chức không gian phòng tắm của người phương Đông cũng là điểm
đáng lưu ý, có nhiều sự khác biệt so với người phương Tây. Từ xa xưa,
cuộc sống ở phía Đông trái đất đã rất coi trọng những "thủ tục vệ sinh".
Nhiều nước, nhiều nền văn hóa còn coi việc làm sạch cơ thể như một nghi
lễ, một thủ tục bắt buộc trong đời sống của họ. Bởi vậy, cách bố trí
không gian, tập trung nhiều cho việc trang trí, tạo lập nơi tắm táp cũng
là điều không có gì bất ngờ. Bên cạnh đó, phòng tắm của người phương
Đông tuy giản dị về mặt kết cấu, kiểu dáng nhưng lại khá cầu kỳ trong
việc lựa chọn màu sắc cũng như kiểu dáng cho nội thất, vật dụng trang
trí.
Những thiết kế lấy chất liệu từ tự nhiên như đá, gỗ, sỏi, mây tre...
thường có mặt trong phòng tắm để mang đến cảm giác gần gũi hơn với thiên
nhiên, mang đến sự tươi mát và dễ chịu cho người sử dụng. Và một điều
dễ nhận thấy, phòng tắm được trang trí theo các phong cách đậm nét
phương Đông rất ít khi ưa chuộng những gam màu nóng như đỏ, cam, vàng,
hồng... hay những gam màu đậm đà như xanh dương, xanh lá, đen...
Phòng tắm phong cách Trung Hoa
Nền văn hóa Trung Hoa được xem là một trong những nền văn hóa lớn của
người phương Đông. Những thiết kế nội thất, trong đó có phòng tắm của
người Trung Hoa cũng có ảnh hưởng rất lớn đến kiến trúc của người Á
Đông. Phòng tắm Trung Hoa thường được khoác lên mình tấm áo mỹ miều,
sang trọng, mang màu sắc hoàng gia, gần với phong cách cổ điển phương
Tây. Nhưng yếu tố làm nên nét đặc sắc rất riêng cho phòng tắm phong cách
này đó là thiên về đường nét nhẹ nhàng, giản đơn. Mọi người cũng dễ bắt
gặp cách trang trí phòng tắm với màu sắc ấn tượng như nâu, vàng, xanh
lá, ghi, xám...
Bên cạnh đó, ưu điểm của phòng tắm Trung Hoa đó là thiết kế cửa sổ lớn
hoặc nhiều cửa sổ bé xung quanh bức tường để căn phòng thư giãn được hài
hòa với thiên nhiên, được tràn ngập ánh sáng tự nhiên. Những chất liệu
được ưu ái sử dụng trong phòng tắm theo phong cách này thường là gỗ,
thủy tinh và gốm sứ, những chất liệu được xem là phổ biến trong thiết kế
nội thất, mang lại thành công cho những công trình mang phong cách
Trung Hoa.
Phòng tắm của người Trung Quốc hiện đại vẫn giữ lại những nét đẹp tinh
tế, ấn tượng của thời xa xưa. Khác một chút với phong cách Trung Hoa
truyền thống, đó là họ đã tạo nên những phòng tắm rộng rãi, thêm pha
chất liệu đá, kính và ánh sáng nhân tạo giúp không gian thư giãn phù hợp
hơn với cuộc sống hiện đại.
Phòng tắm phong cách Ai Cập Ai
Cập cũng là một trong những nền văn minh lớn không thể không nhắc tới
khi nói về phương Đông. Phòng tắm thiết kế theo phong cách Ai Cập cũng
thường được kiến tạo bởi những nét đẹp cầu kỳ, mới lạ, đầy bí ẩn và vô
cùng giàu tính nghệ thuật. Dễ nhận thấy trong thiết kế nội thất, không
riêng gì phòng tắm của người Ai Cập, thường chú trọng đến những gam màu
quý phái, kiêu sa như vàng, ánh kim, be, màu cát, nâu sẫm... cùng cách
bố trí không gian, bài trí nội thất khá tinh tế và khoa học, tạo nên một
phong cách đầy ấn tượng, mang tính thẩm mỹ cao.
Nếu gỗ, sứ là những chất liệu được người Trung Hoa ưu ái lựa chọn thì
chất liệu đá, gạch nhiều họa tiết là những chất liệu thường được lựa
chọn trong phong cách Ai Cập. Sự kết hợp hài hòa giữa các chất liệu từ
thiên nhiên với ánh sáng vàng giúp phòng tắm Ai Cập càng trở nên sang
trọng, xa hoa hơn. Một điều khá đặc biệt trong phòng tắm của người Ai
Cập, đó là ưu ái cho những thiết bị nội thất như bồn rửa, bồn tắm hay
những đường nét kiến trúc trang trí trong không gian thường lựa chọn
hình e líp. Đặc điểm này mang lại nét mềm mại, thêm chút hơi hướng huyền
thoại, cổ điển cho gian phòng thư giãn.
Phòng tắm phong cách Nhật Bản
Phòng tắm của người Trung Hoa và Ai Cập thường thiên về những đường nét
cầu kỳ, phức tạp thì phòng tắm của người Nhật lại ưu ái trang trí với
đường nét kiến trúc giản đơn, dung dị nhưng vô cùng tiện dụng. Bước vào
phòng tắm Nhật, mọi người đều cảm nhận như đang được hòa mình với thiên
nhiên dịu dàng, xanh mát, một cảm giác nhẹ nhõm, dễ chịu, đầy sảng
khoái. Dường như cuộc sống hối hả, bận rộn, tất bật của cuộc sống hiện
đại sẽ được bỏ lại phía ngoài khi bạn được bước vào phòng tắm mang phong
cách của xứ sở hoa anh đào.
Phòng tắm của người Nhật không chỉ cuốn hút, làm mê đắm lòng người bởi
những chi tiết tối giản, tiện dụng mà còn toát lên nét tinh tế của các
yếu tố thiên nhiên. Từ chất liệu gỗ, đá, sỏi có mặt ở sàn, tường hay nội
thất phòng tắm đến những khóm cây, vách nước chảy xen kẽ trong không
gian mang lại cảm giác dịu nhẹ, ấm cúng, thấm đẫm nhân văn, giúp bạn
được thật sự thư giãn, thật sự cảm nhận được nét yên bình, tĩnh tại
trong căn phòng này.
Nếu như người Trung Hoa muốn thiết kế phòng tắm với cửa sổ rộng giúp ánh
sáng ngập tràn vào phòng, người Ai Cập lại ưu ái ánh sáng vàng nhân tạo
mang đến không gian yên tĩnh, trang trọng thì phòng tắm của người Nhật
có thiết kế cửa sổ có kích thước vừa phải và luôn kèm theo mành, rèm từ
chất liệu mây, tre giúp làm mềm không gian và ánh sáng khuếch tán nhẹ
nhàng.
Nguồn: Theo Vệt báo