Sáng nay (9/10), Tổng công ty Viglacera sẽ ký một loạt hợp đồng,
thỏa thuận với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước để chính thức
khởi động đầu tư Dự án dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng
(Solar control và kính low- e) đầu tiên tại Việt Nam. Dự án công nghệ
cao này rất có ý nghĩa, đây cũng là nhân tố mới giúp ngành kính xây dựng
Việt Nam bước lên vị thế mới.
Tạo đột phá công nghệ sản xuất
Cụ thể, Viglacera ký hợp đồng tư vấn, cung cấp thiết bị, chuyển giao
công nghệ (hợp đồng EP) với Tập đoàn Von Ardenne GmbH (Đức) gói cung cấp
thiết bị, chuyển giao công nghệ sản xuất kính tiết kiệm năng lượng để
mở rộng nhà máy kính của Viglacera tại tỉnh Bình Dương do công ty con,
Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG), quản lý, tiếp nhận công nghệ và vận
hành.
Bên cạnh đó, để dự án hội đủ điều kiện nền tảng và nhanh chóng triển
khai, Viglacera cũng ký hợp đồng tài trợ vốn cho dự án với Ngân hàng
Phát triển Việt Nam (VDB) trị giá 350 tỷ đồng và thỏa thuận hợp tác đối
tác chiến lược với 2 tập đoàn gia công sản phẩm sau kính hàng đầu Việt
Nam hiện nay là Sado Group và Eurowindow để có đầu ra ổn định sau khi dự
án đi vào vận hành. Dịp này, VIFG cũng được Bộ Khoa học và Công nghệ
cấp Giấy chứng nhận dự án công nghệ cao.
Ông Nguyễn Minh Khoa, Giám đốc VIFG cho biết, Dự án dây chuyền sản xuất
kính tiết kiệm năng lượng có tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, trong đó
phần lõi là dây chuyền sản xuất kính theo công nghệ Đức trị giá 11 triệu
euro. Năng lực sản xuất dây chuyền này khoảng 2,3 triệu m2/năm và có
thể vận hành đạt công suất lên 3,3 triệu m2/năm. Dự kiến tháng 10/2016
sẽ đi vào hoạt động, cho ra lò mẻ kính tiết kiệm năng lượng đầu tiên
cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Các công trình hiện đại đều có xu hướng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng
Theo ông Khoa, hiện tại trên thế giới chỉ một số quốc gia làm được dây
chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng đúng nghĩa như Đức, Mỹ. Sau
khi khảo sát nhiều đối tác chào bán, VIFG lựa chọn công nghệ của Đức do
Tập đoàn Von Ardenne GmbH chuyển giao. Đây là tập đoàn chuyên sâu về
nghiên cứu và sở hữu công nghệ tiên phong về vật liệu phủ mới. Đặc biệt,
khi chuyển giao công nghệ từ tập đoàn này, VIFG sẽ liên tục được đối
tác này cập nhật thành tựu khoa học công nghệ mới trong suốt vòng đời
vận hành dây chuyền nhằm không ngừng nâng cấp chất lượng và làm mới sản
phẩm kính tiết kiệm năng lượng.
“Đây là công nghệ mở, là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp
không thể mãi thuyết phục người tiêu dùng sử dụng một loại sản phẩm
trong vòng 10 năm. Do đó, việc đổi mới, nâng cấp công nghệ của VIFG sẽ
mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng”, ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Quang Cung, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam nhận
xét, doanh nghiệp Việt sản xuất kính xây dựng mới dừng lại ở dạng bán
thành phẩm, công nghệ sau kính, từ kính nguyên liệu sản xuất các sản
phẩm cao cấp khác như kính tiết kiệm năng lượng, kính bảo ôn,
kính cường lực…
mới là vấn đề căn cơ. Nhu cầu kính tiết kiệm năng lượng trong nước có
xu hướng tăng đồng biến với ngành xây dựng, nhất là khi thị trường bất
động sản phục hồi. Phân khúc này phụ thuộc hoàn toàn vào kính nhập khẩu.
Do đó, dự án đầu tư công nghệ mới của VIFG rất có ý nghĩa, đây là nhân
tố mới giúp ngành kính xây dựng Việt Nam bước lên vị thế mới và có triển
vọng phát triển tốt.
“Xu hướng sử dụng kính tiết kiệm năng lượng là lời giải cho bài toán
tiết kiệm điện năng cho công trình, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và
cũng là lời giải cho hiệu quả trong đầu tư. Kính tiết kiệm năng lượng có
công năng cao, được gia công từ kính phẳng với lớp phủ siêu mỏng trên
bề mặt, đáp ứng các yêu cầu về tính năng sử dụng, yêu cầu về độ trong
suốt và màu sắc của kính. Loại kính này đồng thời có tính năng phát xạ
thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, giúp giảm thiểu truyền nhiệt giữa môi trường
bên trong và bên ngoài hệ thống vách kính, do đó tiết kiệm chi phí năng
lượng của hệ thống điều hòa không khí mà vẫn duy trì hiệu quả làm mát.
Hầu hết các nước trên thế giới sử dụng các sản phẩm kính tiết kiệm năng
lượng được sản xuất theo công nghệ phủ mềm vì kính phủ mềm có những tính
năng ưu việt. Để thích hợp với khí hậu của Việt Nam và xu hướng chung
của thế giới, VIFG đã lựa chọn công nghệ phủ mềm cho hệ kính tiết kiệm
năng lượng Solar Control”, ông Cung nói.
Là đơn vị tiên phong, chủ động trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công
nghệ hiện đại vào sản xuất, VIFG tạo ra bước đột phá trong công nghệ khi
đầu tư dự án này. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là
dự án công nghệ cao vào đầu năm nay. “Đổi mới công nghệ, tiếp cận tiến
bộ mới để sản xuất được chúng tôi rất chú trọng. VIFG đổi mới công nghệ
hướng mục tiêu để người tiêu dùng thụ hưởng những giá trị tốt nhất do
công nghệ mới mang lại với giá cả hợp lý. Nếu phụ thuộc vào hàng nhập
khẩu, người tiêu dùng phải mua với giá cao ngất ngưởng. VIFG xác định
việc đầu tư dây chuyền mới là trách nhiệm của doanh nghiệp trước người
tiêu dùng và với đất nước”, lãnh đạo VIFG nói và cho biết thêm, kính
tiết kiệm năng lượng hệ Solar Control hiện tại được cải tiến công nghệ
và chỉ cần một lớp kính thay vì kính hộp 2 lớp như trước đây, do đó chi
phí giá thành cho công trình tiết kiệm nhiều. Dây chuyền này cũng có thể
cho ra kính nhiều màu sắc đáp ứng nhu cầu xây dựng đa dạng.
Nấc thang mới nâng tầm VIFG phát triển
Ngoài sức lan tỏa tới thị trường kính xây dựng trong những năm tới, Dự
án đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng còn mang lại cho
VIFG nhiều động lực mới để phát triển và tiếp tục khẳng định vị thế
doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành kính xây dựng Việt Nam.
Trước đó, năm 2013, VIFG hoàn tất việc cải tạo và nâng cấp dây chuyền
sản xuất sản phẩm kính, nâng công suất từ 350 tấn/ngày lên 420 tấn/ngày,
cho ra thị trường sản phẩm kính nổi chất lượng cao đạt tiêu chuẩn châu
Âu EN 572-2:2004. Qua đó, VIFG đảm bảo đủ điều kiện gia công các sản
phẩm kính cao cấp tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, với dây chuyền công
nghệ hiện đại cùng việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, giúp
giảm tiêu hao nhiên liệu khoảng 20%, góp phần hạ giá thành và nâng cao
sức cạnh tranh, giảm lượng khí thải ra môi trường, phù hợp tiêu chí
“công nghiệp xanh”. Có thể nói, việc nâng cấp dây chuyền thời điểm đó
tại VIFG là khởi đầu cho chiến lược dài hơi, tạo nền tảng cho dây chuyền
kính tiết kiệm năng lượng hiện nay.
Ba năm gần đây, nhà máy cán kính nổi VIFG luôn chạy hết công suất để đáp
ứng nhu cầu thị trường. Năm 2014, sự phát triển và uy tín của VIFG được
thể hiện rõ nét nhất qua chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 32%. VIFG
đang giữ một vị thế quan trọng trong thị trường vật liệu xây dựng, khi
sản lượng kính nổi tiêu thụ chiếm khoảng 23% thị phần cả nước. Doanh thu
hàng năm đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Vừa qua, VIFG đã vượt qua nhiều doanh nghiệp trên thế giới, vinh dự được
tổ chức Business Initiative Directions (BID), một tổ chức quốc tế định
hướng sáng kiến kinh doanh trao giải thưởng “World Quality Commitment –
Cam kết chất lượng đẳng cấp quốc tế”. Đây là giải thưởng dành cho những
doanh nghiệp hàng đầu thế giới với cam kết về chất lượng và quảng bá văn
hóa doanh nghiệp tới cộng đồng. Giải thưởng này được BID bình chọn dựa
trên nhiều tiêu chí như cam kết chất lượng và dịch vụ phải đạt đẳng cấp
quốc tế, thương hiệu được phát triển và đổi mới... đáp ứng được tất cả
các tiêu chí quản lý chất lượng. VIFG trải qua quá trình bình xét khắt
khe của các chuyên gia quốc tế. Đây là năm thứ 2 liên tiếp VIFG được
bình chọn giải thưởng này.
Năm 2015, phát huy những thế mạnh về chất lượng sản phẩm, VIFG đặt ra
các mục tiêu tiếp tục tăng trưởng so với năm trước. Theo đó, lợi nhuận
tăng 70%, doanh thu tăng 9%, giá trị sản xuất kinh doanh tăng 5% và thu
nhập bình quân tăng 18%.
Đánh giá sự tác động của Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm
năng lượng mới khởi động, ông Nguyễn Minh Khoa nhận định, tiềm năng thị
trường kính tiết kiệm năng lượng rất lớn, nhất là khi thị trường bất
động sản đang có tiến triển tích cực. VIFG kỳ vọng sẽ nhanh chóng chiếm
lĩnh thị phần kính tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.
“Chúng tôi có lợi thế vì dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng
nằm sát nhà máy cán kính nổi. Sản xuất kính tiết kiệm năng lượng đòi hỏi
phôi kính tươi mới đảm bảo chất lượng lớp phủ. Dự án mới sẽ không làm
tăng sản lượng kính VIFG cung ứng vì chúng tôi đã chạy hết công suất nhà
máy cán kính nổi. Dự án chỉ thay đổi về cơ cấu sản phẩm tung ra thị
trường và tác động tích cực vì người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn, đồng
thời góp phần giảm sản lượng kính nhập khẩu. Dự án dây chuyền sản xuất
kính tiết kiệm năng lượng sẽ giúp VIFG gia tăng quy mô doanh thu trong
tương lai”, ông Khoa nói.
Theo Báo Đầu Tư